Muối có vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu. Ngoài ra, muối còn có vai trò trong việc duy trì điện thế tế bào, dẫn truyền xung động thần kinh, đảm bảo thăng bằng kiềm toan.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên lạm dụng muối quá nhiều. Một số bệnh lí nguy hiểm thường gặp ở người Việt Nam từ chế độ ăn thừa muối có thể kể đến như: tăng huyết áp, khô miệng, cơ thể bị tích nước, đau đầu… Ngược lại, nếu thiếu muối, chúng ta sẽ dễ mắc những chứng bệnh như: mỏi cơ, liệt cơ, chuột rút…
Mặc dù ăn mặn đã được chứng minh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, chế độ ăn quá nhạt cũng không phải một giải pháp hay. Thực tế, đây là sai lầm trong ăn uống nhiều người mắc phải. Theo định nghĩa khoa học, tổng lượng NaCl đưa vào cơ thể trong 24h dưới 2.400mg ( khoảng 1 thìa cà phê) sẽ được xem là một chế độ ít muối.
Những người có chế độ kiêng muối quá mức sẽ có lượng Natri máu thấp. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Natri máu giảm khiến hệ cơ bị giảm chức năng đồng thời làm cho lưu lượng nước trong cơ thể dễ thoát qua những khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù nề.
Chế độ ăn muối thế nào là cân đối?
Theo chuyên gia dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng Quốc gia, để giữ gìn cơ thể khỏe mạnh, lượng muối mỗi ngày được khuyên dùng (bao gồm cả muối ăn trực tiếp, nước mắm, bột canh…) nên được kiểm soát ở khoảng 6 – 8g.
(Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, 2017)