Nghịch lý: xuất khẩu nông sản ở Việt Nam luôn nằm top đầu thế giới, tuy nhiên, giá trị đem lại rất thấp và nông dân luôn là người được hưởng lợi ít nhất.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra chiều 26/11/2018, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm, từ 16,484 tỷ USD năm 2009 lên mức 36,37 tỷ năm 2017. Đáng chú ý, Việt Nam luôn là nước xuất siêu nông sản với mức xuất khẩu siêu bình quân 8 tỷ USD/ năm trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh, song hầu hết các sản phẩm nông lâm thủy sản đều được xuất khẩu dưới dạng thô, tươi hoặc qua chế biến thô sơ trong khi tỷ lệ xuất khẩu chế biến sâu đóng góp rất ít trong tổng giá trị xuất khẩu hằng năm.
Đại điện IPSARD nhận định, tuy luôn là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản, 80% các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác,… dẫn đến giảm sút về mặt uy tín, sức cạnh tranh, gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng.
Cụ thể, theo thống kê từ Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ KH&CN), trong số những thương hiệu được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, chỉ có khoảng 15% là từ các doanh nghiệp trong nước. Tương tự, có đến 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài mà không được đăng ký sở hữu.
Bên cạnh đó, một điểm yếu quan trọng là tuy đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nông sản Việt Nam hiện chỉ giới hạn ở vai trò cung cấp đầu vào dưới dạng nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Nguyên nhân được cho là công nghệ xử lý trước và sau thu hoạch ở nước nhà còn lạc hậu, việc hình thành chuỗi kinh doanh từ khâu sản xuất, chế biến đến marketing, phân phối và tiêu thụ còn chưa đủ phát triển.
Bài học từ Nhật Bản:
Trong hội nghị với chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”, bí thư Đại Sứ Quán Việt- Nhật, ông Hiroshi Matsuura nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp thiết của việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.
Ông dẫn chứng, một quả xoài ở Nhật được bán với giá khoảng 4.000 Yên (khoảng 850.000 đồng). Song, quy trình nuôi trồng cũng tuân theo như những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Sau thu hoạch, quá trình vận chuyển và bảo quản cũng được kiểm soát nghiêm ngặt theo công nghệ CA (phương pháp giúp hạn chế hô hấp khiến trái cây tươi lâu). Nhờ vậy, nông dân Nhật Bản có thể điều tiết thị trường bằng cách đưa ra một lượng vừa phải quanh năm nhằm mang lại giá trị cao và bền vững hơn.
Từ đó, ông cho rằng có được lợi nhuận lớn thì nông dân cũng cần phải hoàn thiện cơ sở vật chất cho việc trữ hàng. Vì nếu cơ sở trữ lạnh do bên thua mua nắm giữ thì lợi nhuận cao nhất sẽ thuộc về họ khi họ nắm được khả năng điều phối thị trường
( Theo VietnamNet, 2018)